Dự kiến hôm nay (30.12),ậpSởATTPngườidânđượclợigìbánh cá UBND TP.HCM công bố quyết định thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) cùng quyết định bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc sở này. Với bước đi này, TP.HCM trở thành địa phương đầu tiên của cả nước có Sở ATTP.
Như vậy, sau đúng 6 năm thí điểm Ban Quản lý ATTP, Chính phủ đã cho phép TP.HCM thành lập Sở ATTP (theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM) và hiện thực hóa bằng Nghị quyết 24 năm 2023 của HĐND TP.HCM về lập Sở ATTP, có hiệu lực từ ngày 1.1.2024.
PV Thanh Niênđã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, xung quanh câu chuyện Sở ATTP sẽ hoạt động ra sao sau khi hình thành.
KẾT QUẢ 6 NĂM THÍ ĐIỂM
* Thưa bà, sau 6 năm thí điểm, Ban Quản lý ATTP đã làm được những gì và còn tồn tại những gì?
- PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: Chúng tôi đã hoàn thành một phần mục tiêu đề ra. Đó là thống nhất lực lượng, thống nhất kế hoạch, chương trình hành động để làm thực chất, đó là xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn chứ không phải để đối phó, từ đó tăng cường hiệu quả trong quản lý ATTP. Cùng với đó vai trò của Ban Quản lý ATTP cũng tăng lên.
Ban còn xây dựng được 8 đội quản lý ATTP phụ trách ở 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, 2 đội ở chợ đầu mối, các đội này được xem là cánh tay nối dài của ban. Ưu điểm của các đội này là bố trí và nắm công việc tại địa phương, giải quyết được khó khăn của các thanh tra sở, ngành là nằm ngay trung tâm khó nắm bắt địa bàn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, khó nhất là về quản lý sản xuất và kinh doanh thực phẩm còn nhỏ lẻ và manh mún, việc này dẫn đến việc kiểm tra, giám sát khó vì quá nhiều. Thứ đến, các quy định của pháp luật lạc hậu, "trói tay trói chân thanh tra". Bên cạnh đó, đối với bán hàng thực phẩm online còn thiếu nhiều quy định pháp lý, cả thực tế không có người theo dõi, làm.
Ngoài ra, việc công bố sản phẩm, quy định chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp tự công bố, cơ quan quản lý hậu kiểm. Nhưng ban có 400 con người, tính trên dân số TP.HCM và số sản phẩm tự công bố trên 200.000 sản phẩm thì nhân lực quản lý như "muối bỏ biển" để có thể kiểm tra, giám sát được hết.
Và việc lập ban từ cơ sở sẵn có từ 3 ngành y tế, công thương và nông nghiệp để thống nhất lực lượng, tăng cường đội ngũ để làm. Mô hình này chắc chắn tốt hơn nhưng chưa phải tốt nhất và còn những tồn tại như đã nói.
SỞ ATTP SẼ LÀM ĐƯỢC GÌ ?
* Cảm nghĩ của bà ra sao về việc TP.HCM nỗ lực quyết tâm và đến nay đã lập được Sở ATTP?
- Chúng tôi có cảm giác vui và tự hào. Vì trước đây là mô hình thí điểm, mô hình Ban Quản lý ATTP không có trong luật nên mọi thứ đều mày mò để làm.
Thứ nhất, việc lập Sở ATTP là sự đánh giá của lãnh đạo các cấp và của cộng đồng. Ban đã làm tốt về quản lý ATTP và thay đổi mô hình từ ban thành sở. Thứ hai, Sở ATTP đi vào thực tế, chính thống, giúp gỡ rối một số vấn đề pháp lý vì tất cả đều có quy định trong luật về mô hình thanh tra, ngân sách, hành động… giúp cán bộ nhân viên yên tâm hơn trong công việc.
Thành lập Sở ATTP trên cơ sở từ ban nên việc phân công, phân nhiệm đã được tiến hành khá trôi chảy. Chăn nuôi, trồng trọt, giết mổ vẫn là ngành nông nghiệp quản lý và khi chuyển thành thực phẩm thì giờ là Sở ATTP quản lý. Qua 6 năm kinh nghiệm thì đã có những bài học, chia sẻ cùng nhau để không chồng chéo mà chủ yếu là phối hợp làm cho tốt, nhất là trong thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Còn trong thanh tra đột xuất theo thông tin riêng của từng ngành thì cũng đã có sự phối hợp.
* Liệu Sở ATTP có giúp kéo giảm vấn đề ngộ độc thực phẩm ?
- Sở ATTP sẽ làm tốt hơn, không chỉ giảm ngộ độc thực phẩm mà mục tiêu sau cùng là làm sao thực phẩm được an toàn hơn, người dân an tâm hơn khi sử dụng. Một trong những chỉ số đánh giá có an toàn, an tâm hơn hay không là vấn đề ngộ độc thực phẩm. Do vậy, việc cần làm là xây thực phẩm sạch cho đến tăng cường phát hiện, xử lý vi phạm việc cho chất cấm vào thực phẩm vì mục tiêu vụ lợi. ATTP là khâu cực kỳ quan trọng trong y tế dự phòng để lo sức khỏe cộng đồng, đảm bảo sức khỏe thế hệ mai sau.
Mỗi năm chúng tôi có chương trình giám sát nguy cơ với các nhóm thực phẩm. Mỗi thực phẩm sẽ theo dõi một số độc chất. Hằng năm, chúng tôi đề nghị có ngân sách tăng thêm cho việc lấy mẫu kiểm nghiệm, đồng thời kêu gọi các nguồn xã hội hóa, như ở chợ đầu mối, siêu thị đều có nguồn lực giám sát nguy cơ bằng kiểm nghiệm.
THANH TRA SỞ ATTP SẼ CÓ CÔNG CỤ QUẢN LÝ HIỆU QUẢ HƠN
* Một trong những công cụ được trông chờ là Thanh tra ATTP trực thuộc Sở ATTP. Vậy Thanh tra ATTP sẽ phát huy ra sao trong công tác kiểm tra, xử lý thực phẩm bẩn ?
- Từ khi lập ban đã có phòng thanh tra và các đội quản lý ATTP, nhưng bị vướng về xử phạt. Đơn vị chỉ là lập biên bản xử phạt, sau đó chuyển về UBND quận, huyện xử lý rồi chờ quyết định xử phạt, giờ có sở thì sở hy vọng sẽ làm được việc này. Thanh tra quan trọng nhất là phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm nhưng mô hình ban thì chưa thỏa mãn được yêu cầu. Khi lên Thanh tra Sở ATTP thì hy vọng sẽ giải quyết được việc này, Thanh tra Sở ATTP sẽ chủ động hơn trong mọi công việc.
Nhưng để công tác thanh tra hiệu quả hơn thì cũng cần tăng cường đội ngũ vì hiện còn rất mỏng, chưa đủ đáp ứng nhu cầu công việc rất nhiều như hiện nay. Phải bố trí được 30 người/đội mới đủ mạnh, trong khi hiện chỉ có 20 người. Tuy thiếu nhưng anh em hết sức nỗ lực làm việc.
* Về nhân sự, theo bà, cơ chế cho Sở ATTP hiện có đủ hay chưa?
Khi thành lập ban, chúng tôi cam kết không tăng biên chế. Lúc thành lập ban là 468 người, sau đó được cho thêm 20 biên chế để làm công tác kiểm dịch. Nhưng qua 6 năm, số lượng bị giảm còn 369 người nên nhiều chương trình rất muốn làm nhưng chưa đủ lực, nhân lực tập trung cho các đội quản lý ATTP. Giờ lập Sở ATTP thì mọi thứ về phương tiện, tài chính vẫn thực hiện đúng như quy định cấp sở và cũng đã được thực hiện ở ban thời gian qua.
* Sở sẽ cần làm gì hơn nữa để công tác quản lý ATTP đi vào thực chất hơn là hình thức?
- Đây là câu hỏi lớn bao hàm mọi vấn đề về ATTP. Các tồn tại, hạn chế thì chúng ta đã nói ở trên.
Đảm bảo ATTP đi kèm với sự phát triển của ngành nông nghiệp, công nghiệp theo hướng bền vững, xanh và sạch. Tất cả phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Tức là khi mô hình sản xuất, kinh doanh hiện đại thay thế mô hình kinh doanh nhỏ lẻ truyền thống thì chắc chắn vấn đề ATTP cũng sẽ bảo đảm hơn. Nhưng khó khăn nhất vẫn là nhận thức tiêu dùng thực phẩm của người dân và thu nhập của một bộ phận người dân còn thấp. Cái đáng lo nữa là thực phẩm không được bảo quản đúng cách.
Sở ATTP và các sở, đơn vị liên quan sẽ cố gắng làm sao có thực phẩm sạch thay thế vào thực phẩm bẩn, làm sao cho bữa ăn của người dân an toàn hơn. Qua giám sát, chất lượng thực phẩm của người dân TP.HCM vẫn "xêm xêm" các quốc gia lân cận chứ không quá tệ. Nhưng cũng có những đợt nguy cơ, mùa, khu vực… mất ATTP.
* Sở ATTP có cam kết gì đối với công tác quản lý ATTP sắp tới không thưa bà?
Chúng tôi không hứa, không thích hô khẩu hiệu nhưng cam kết làm hết sức. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần trang bị thêm và đủ nguồn lực và pháp lý.
* Xin cảm ơn bà!
Theo Nghị quyết 24, Sở ATTP là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, có chức năng tham mưu, giúp UBND TP.HCM quản lý nhà nước về ATTP, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP trên cơ sở chuyển chức năng từ Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Sở Công thương cho Sở ATTP. Sở này thực hiện 18 nhiệm vụ và quyền hạn. Sở ATTP có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc; có 6 phòng, ban, gồm: văn phòng, thanh tra, kế hoạch - tài chính, cấp phép, quản lý tiêu chuẩn và giám sát ngộ độc thực phẩm, hợp tác quốc tế và truyền thông. Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở ATTP là Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.