Thông tin về chị Sáu qua sách báo lúc bấy giờ không làm thầy trò chúng tôi thỏa mãn. Kế hoạch đến thăm quê hương của chị: thị trấn Đất Đỏ,ịVõThịSáutronglòngngườimiềnTâgan nhiễm mỡ độ 2 Bà Rịa - Vũng Tàu được hình thành. Hồi ấy, muốn đi thăm di tích văn hóa, lịch sử, thầy trò trường tôi phải tự lực hoàn toàn và phải thực hiện đúng thời gian hoạt động trong năm học. Và năm 1994, chúng tôi tổ chức ra thăm quê chị lần đầu tiên, với khoảng 50 giáo viên, học sinh giỏi của trường.
Đến Đất Đỏ, chúng tôi được thăm căn nhà lưu niệm nơi chị Sáu sinh ra và lớn lên. Bà Nguyễn Thị Bảy, em ruột chị Sáu vui vẻ tiếp đoàn. Bà chỉ cho chúng tôi nơi chị Sáu nghỉ ngơi, đó chỉ là một bộ ván nhỏ không có nệm, chăn gì cả, bình thường như bao gia đình khác ở đây lúc bấy giờ. Bà cũng đưa chúng tôi đến xem căn hầm bí mật ngay trong nhà, dưới gầm bộ ván, để chị Sáu ẩn nấp khi giặc lùng bắt.
Bà Bảy không giữ được xúc động khi nhắc về người chị của mình. Đó là chi tiết vào tháng 12.1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, chị Sáu bị giặc Pháp bắt sau khi chị cùng đồng đội tiêu diệt một số hương chức người Việt cộng tác với Pháp đàn áp cách mạng… Chị Sáu bị Pháp giam giữ tại nhà tù Đất Đỏ trước khi chuyển đến khám Chí Hòa và ra Côn Đảo.
Bà Bảy đã theo gia đình tìm thăm chị. Bà đã chuyển cho chị Sáu một số vật dụng cá nhân như khăn, lược… chứ không được tiếp xúc. Bà Bảy cũng cho biết thêm, thực tế, chị Sáu cắt tóc ngắn ngang vai nhìn rất gọn và khỏe, tiện cho việc hoạt động chứ không để mái tóc thề chấm lưng như các cô gái cùng độ tuổi lúc bấy giờ ở quê hương. Khi bị đưa ra Côn Đảo vào tháng 1.1952 và cho tới khi bị Pháp thi hành án tử hình, bà Bảy và gia đình không có được tin tức về chị. Mãi sau này mới biết chuyện chị đã hy sinh.
Trước khi ra về chúng tôi còn đi thăm những con đường, những khu phố nơi chị Sáu đã in dấu chân trên bước đường hoạt động của mình. Chúng tôi cũng không quên đến thăm khu tưởng niệm chị Sáu với một tượng đài thật đẹp của chị, nơi đây luôn đón nhiều đoàn khách đến viếng thăm.
Cuộc đời đấu tranh và hy sinh anh dũng của chị thôi thúc chúng tôi rằng phải ra thăm Côn Đảo, phải đến thăm nơi chị hy sinh để thắp nén hương bày tỏ lòng ngưỡng vọng. Một thầy giáo dạy sử như tôi lại càng mong điều đó sớm thành hiện thực.
Sau thời gian ngôi trường được mang tên nữ anh hùng Võ Thị Sáu, lãnh đạo nhà trường được cấp trên đồng ý việc tạc tượng bán thân của chị trưng bày trong phòng truyền thống của trường. Tôi được giao nhiệm vụ tìm nơi tạc tượng người nữ anh hùng. May mắn, tôi được một người bạn là phóng viên của Báo Vĩnh Longgiới thiệu gặp điêu khắc gia Thanh Bình của Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long. Sau nhiều lần trao đổi, thực hiện nhiều khuôn mẫu, cuối cùng mẫu tượng bán thân chị Võ Thị Sáu với mái tóc ngắn ngang vai, trang phục là chiếc áo bà ba, với nét mặt của một thiếu nữ chớm lớn đã được mọi người công nhận.
Ngày mẫu tượng hoàn thành, lãnh đạo trường đến tận xưởng chế tác để đưa bức tượng về trường. Tôi được giao nhiệm vụ đón nhận và đưa tượng từ tỉnh Vĩnh Long về Đồng Tháp an toàn. Chặng đường 25 km ấy không phải xa xôi nhưng giao thông ngày ấy chưa thông thoáng, ngồi xe khách đưa tượng về cũng gian nan. Cuối cùng tượng chị Sáu cũng đến trường trong niềm vui của mọi người. Tượng được an vị trong phòng truyền thống, nơi diễn ra các buổi lễ như kết nạp đoàn viên mới, trao thưởng cho thầy trò… Chị Võ Thị Sáu không chỉ là người con gái của miền Đông Nam bộ được yêu mến trên quê hương mình mà còn được yêu mến trong lòng bà con, thầy trò miền Tây chúng tôi nữa.
Năm 1996, khoảng 20 thầy cô trường chúng tôi lên đường ra thăm Côn Đảo, kinh phí cũng tự lực là chính. Đoàn xuất phát từ 18 giờ chiều ngày hôm trước, 6 giờ sáng hôm sau chúng tôi đến Bến Đầm. Lúc bấy giờ, Nghĩa trang Hàng Dương còn đang xây dựng. Đường vào chưa được trải nhựa, chúng tôi đi chân không trên cát mà lòng tự hỏi không biết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng đã vùi xương dưới làn cát này? Mộ chị Võ Thị Sáu cũng đang được hoàn thành. Người hướng dẫn cẩn thận cho biết thêm rạng sáng ngày 23.1.1952, chị Sáu bị đưa đến văn phòng giám thị trưởng đặt trước sân Banh 1. Đến 7 giờ sáng, chị Sáu bị đưa đến sân Banh III phụ và bị xử bắn. Thi hài của chị được đưa ra Hàng Dương và được chôn tại đây. Trong sổ giám sát tử vong từ năm 1947-1954 còn lưu tại Côn Đảo có dòng chữ ghi bằng tiếng Pháp "Le 23 Janvier 1952: 195G.267 Võ Thị Sáu dite CAM mort 23.1.1952 7h P.Condor Par balles…" (Tù nhân số G 267 Võ Thị Sáu bị xử bắn vào 7 giờ ngày 23.1.1952).
Lòng chúng tôi dấy lên cảm xúc khó tả khi nhìn thấy tấm bia mộ bằng đá do người dân trên đảo lập trước đây, dù chính quyền cũ đã có lệnh cấm. Bia ghi rõ hàng chữ Liệt nữ Võ Thị Sáu cùng năm sinh, năm mất. Một vòng hoa tươi kết từ những bông hoa của làng hoa Sa Đéc được đặt trước mộ thay cho lời tri ân sự hy sinh của chị.
Từ sau chuyến đi ấy trở về, lòng thành kính đối với những anh hùng liệt sĩ nói chung và đối với nữ anh hùng Võ Thị Sáu nói riêng trong lòng thầy trò trường tôi như được nhân lên. Trong nhiều năm liền, phút sinh hoạt truyền thống mang nội dung nhắc nhớ đến sự hy sinh anh dũng của người con gái quê Đất Đỏ miền Đông Nam bộ luôn tạo nên cảm xúc khó tả nơi người dự…
Quê hương miền Tây cũng có nhiều nữ anh hùng. Chị Võ Thị Sáu như đã trở thành người con của miền Tây thân yêu từ lâu lắm. Đồng nghiệp của tôi đã sáng tác nên bài hát ca ngợi chị, tự hào vì ngôi trường được mang tên người nữ anh hùng "Sống mãi cùng thời gian".
Cuộc thi viết Hào khí miền Đôngdo Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.